Nhà Nguyễn đã
khôi phục một quốc gia thống nhất trong bối cảnh đất nước trải qua nhiều thế kỷ
chia cắt nội chiến. Sau khi lên ngôi các vị vua triều Nguyễn đều chủ trương xây
dựng một quân đội đủ mạnh để giữ vững vương quyền. Minh Mạng đã đánh giá xác
đáng: “Quân là nanh vuốt của nước”
[27; tr. 136], hay “Việc binh có thể một
100 năm không dùng đến nhưng không thể một ngày không thể không phòng bị được” [17;tr.
406]. Chính vì thế việc quân rất được quan tâm.
Năm
Minh Mạng thứ 4 (1823) nhà vua bắt đầu cho đặt các cơ ở Quảng Bình, Quảng Trị,
Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở Quảng Trị lấy Đội Nội cần cùng đội Cường nhất và hiệu
Công xa nhất làm cơ Quảng Trị [28; tr. 263]. Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827) lại
hạ lệnh cho 11 trấn Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận…mộ
thêm dân ngoại tịch quê từ Quảng Bình trở vào Nam để bổ sung làm cơ binh, lấy đủ
mỗi cơ 10 đội, mỗi đội 50 người làm hạn [28; tr. 670].
Hai năm sau (1829), Vua lại có dụ:
“Định lại danh hiệu và số ngạch tượng binh ở trong và ngoài Kinh (Quảng Trị thì
gọi là cơ trị tượng)” [28; tr. 905]. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) số cơ ở Quảng
Trị tăng lên 3 đội, cơ trị Tráng (giãn điểm), một đội cơ Trị tượng, 5 đội cơ Quảng
Trị, đội pháo thủ (triệu mộ), 10 đội cơ Định Man (do tù phạm và toàn trừ được dồn
bổ) [29; tr. 957]. Chỉ huy binh lính tại Quảng Trị trong thời gian này là lãnh
binh Nguyễn Văn Nghị vì già yếu nên triều đình cho về hưu. Cho cải bổ lãnh binh
Quảng Nam là Nguyễn Cửu Đức làm lãnh binh Quảng Trị [29; tr.959]. Lãnh binh Quảng
Trị có nhiệm vụ: Cai quản quân bản tiêu, vệ Quảng Trị, cơ Định Man và hai đội
trị Tráng Nhất, Nhị, đội trị tượng, vệ thủy Quảng Trị cộng 3 vệ, cơ, 3 đội.
Ở Quảng Trị binh lính tập trung chủ
yếu ở cơ Định Man thuộc đạo Cam Lộ. Triều Nguyễn đã sử dụng lực lượng địa
phương, phiên chế thành cơ Định Man. Năm thứ 3 (1822) Minh Mạng nghị chuẩn:
“Trích lấy số lính các hạng ở các xã, thôn, phường gần đạo Cam Lộ, đồn Ai Lao,
cộng 370 người, dồn làm 10 đội ở cơ Định Man” [20; tr.262].Thiệu Trị lên ngôi
đã quy định cho binh dân 6 xã, thôn, phường Bích Giang, Cam Đường thuộc phủ
thành Cam Lộ, hết thảy dồn làm cơ Định Man. Đến năm 1852 Tự Đức quy định lại ngạch
tuyển lính ở cơ Định Man “đổi ngạch lính ở cơ Định Man thuộc phủ Cam Lộ, cứ hai
đinh chọn lấy một” [20; tr. 262].
Ngoài việc sử dụng lực lượng địa
phương, triều đình còn huy động bộ phận lính tỉnh. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) dồn
10 đội của cơ Định Man đạo Cam Lộ làm 8 đội, lấy binh đội Hóa Thiện bổ làm hai
đội 9 và 10 [28; tr. 462]. Lực lượng đóng giữ ở vùng núi Cam Lộ còn có một bộ
phận khác là những phạm tội bị giam giữ ở Ai Lao và được phát đi sung quân ở cơ
Định Man. Để tăng cường thêm lực lượng canh giữ biên giới năm 1826 Minh Mạng
sai quản đạo Cam Lộ Tống Văn Uyển dồn những tù phạm sung quân và tội lưu bổ làm
lính cơ Định Man. Vua bảo bộ binh rằng: “Nay ở thú sở Ai Lao có đến 115 người bị
tội sung quân và tội lưu, nên sai cởi mở xiềng khóa dồn làm 3 đội 6, 7, 8 của
cơ Định Man cho tự tâm. Còn 8 đội cũ thì dồn làm 5 đội từ đội 1 đến đội 5” [28;
tr. 535]. Với chính sách đó, nó đã thể hiện được sự khoan hồng, quan tâm của
nhà nước, mặt khác giảm được gánh nặng cho triều đình, đồng thời tăng cường
thêm được lực lượng góp phần canh giữ cho biên ải.
Hàng tháng binh lính được cấp lương
bổng, lương thảo và các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt. Triều đình lại
thường xuyên ban thưởng cho binh lính được sai phái đi làm nhiệm vụ quan trọng
để giúp khích lệ tinh thần của binh lính, bảo vệ tốt vùng biên ải xa xôi. Năm
1827, người Xiêm đem dân đến cư trú ở Cam Lộ, lính cơ Định Man được triều đình
phái đi giúp quân Xiêm khai hoang sinh sống, nhân đó Minh Mạng đã cấp thêm
lương bổng cho binh lính “vua thấy dọc biên giới Cam Lộ có việc, hạ lệnh hợp cả
binh cơ Định Man ở thú sở để sẵn sàng sai phái, cấp thêm tiền lương tháng (lệ
chi 5 tiền, cấp cho đủ 1 quan). Đợi việc xong, lại chia ban chi lương như thường
lệ”. Để đảm bảo đầy đủ lực lượng đóng giữ bảo vệ biên giới, năm Thiệu Trị thứ
nhất (1841) nhà vua cho bổ sung số binh lính ở cơ Định Man. Tỉnh Quảng Trị tâu
rằng: “Số lính ở cơ Định Man ít quá, không đủ người sai nha. Nghĩ xin trích lấy
190 người trong các hộ đi lấy gỗ, bổ vào cơ ấy” Vua y cho [32; tr. 182]. Số lượng quân đội ở
Quảng Trị trong năm này gồm có: Vệ Quảng Trị, thủy vệ Quảng Trị, đội Trị tượng,
đội Tuần thành, đội pháo thủ, cơ Định Man.
Dưới triều Nguyễn, Quảng Trị vốn là
vùng có vị trí chiến lược rất quan trọng, Cam Lộ lại là vùng nằm sát biên giới
nên thường xuyên phải huy động lực lượng để trấn áp các lực lượng bên ngoài. Nhận
thấy được điều đó, nhà Nguyễn đã thường xuyên huy động binh lính đến đồn trú ở
đây, sự quan tâm của nhà nước đã giúp cho vùng đất này luôn hoàn thành các nhiệm
vụ, dẹp yên các thế lực chống đội và góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.
1.
Hoạt động quân sự
1.1. Thiết lập hệ thống bảo vệ
Nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn
không chỉ dùng chính sách ngoại giao tự vệ bảo vệ để bảo toàn nền độc lập dân tộc,
mà còn tăng cường các biện pháp phòng vệ đất nước, trong đó có việc xây dựng
nhiều công trình phòng thủ khắp đất nước
nhằm ngăn chặn quân xâm lược và cả những cuộc nổi dậy chống lại triều
đình.
Khi Huế được chọn làm kinh đô dưới
thời Nguyễn thì Quảng Trị có một vị trí quan trọng, được xem là chốn phên dậu bảo
vệ kinh đô. Dưới thời Nguyễn nhà nước huy động lực lượng quân đội đóng giữ ở những
nơi biên giới, nơi tiếp giáp với các nước. Ở Quảng Trị vùng phía Tây Cam Lộ nước
Xiêm, Vạn Tượng thường tổ chức lực lượng sang lấn đất, bắt người cướp của, cướp
bóc của cải của nhân dân. Do đó ở đây triều Nguyễn đã chú trọng việc tổ chức lực
lượng và xây dựng các hệ thống đồn bảo để bảo vệ.
1.2.
Hệ thống phòng thủ biển đảo
Dưới triều Nguyễn,
trên cơ sở nhận thức sâu sắc về biển, về những thách thức do vị trí địa lý giáp
biển và do hoạt động khai thác nguồn lợi biển tạo nên, chính sách an ninh –
phòng thủ biển được ban hành nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng không chỉ trên
vùng biển và hải đảo rộng lớn mà ở cả vùng duyên hải. Các vua đầu triều Nguyễn
đã cho xây dựng các tấn, bảo, sở, pháo đài trấn giữ các cửa biển. Địa điểm xây
dựng, mật độ, quy mô, mức độ trang bị vũ khí của các cơ sở bố phòng cửa biển
theo sự đánh giá của các triều Nguyễn.
Quảng Trị có hai cửa tấn quan trọng
điều có tấn thủ, đặt quan chức và binh lính trông coi vùng biển là tấn Việt An
và tấn Tùng Luật.
Tấn Việt An: Ở phía Đông bắc huyện
Đăng Xương, trước gọi là An Việt, đổi tên Việt An từ năm Minh Mạng thứ 1
(1820); cửa lạch rộng 51 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng 5 thước, thủy triều
xuống sâu 1 trượng 1 thước, ngoài cửa có 1 dải cát ngầm dài hơn 20 dặm; lại có
7 ghềnh đá, thủ sở đặt ở phía hữu thuộc xã Phú Xá, huyện Đăng Xương.
Tấn Tùng Luật: Ở phía Đông huyện
Minh Linh, cửa lạch rộng hơn 18 trượng, thủy triều sâu 5 thước, thủy triều xuống
sâu 3 thước 5 tấc, ngoài cửa có một dải cát ngầm dài 70 trượng, có 3 ghềnh đá,
bờ Nam có cồn cát tục gọi là động Cát, bờ phía Bắc có đất đỏ, tục gọi là động Đất.
Tấn thủ đặt tại sông Tùng Luật [3; tr. 103].
Năm Gia Long thứ nhất (1802) định: cửa biển
Tùng Luật đặt một viên cai đội, đôn đốc quân dân phòng thủ. Cửa biển Việt Yên
cũng đặt cai đội đôn đốc quân dân phòng thủ như lệ cửa biển Tùng Luật. Sau đều
đổi làm tấn, nhưng bắt lấy dân làng ở gần 21 tên sung làm lệ dân ở tấn Tùng Luật
và 17 tên sung làm lệ dân ở tấn Việt Yên.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) chuẩn: tấn
Việt, nguyên lệ dân có 17 tên, nay trích bắt dân đinh gần quanh đấy, hợp cùng lệ
dân thuộc cũ cho đủ 50 tên [17; tr. 669].
Các tấn, bảo cửa biển được nhà nước
cấp phát binh khí để thực hiện nhiệm vụ canh phòng. Tuy nhiên, số lượng binh
khí được cấp phát không nhiều. Theo lệ định năm 1836, những tấn, bảo xung yếu
mà chỉ có dân binh trú phòng mới được cấp phát 5 – 7 hoặc 10 cây súng điểu
sang. Đến năm 1839, lệ định có những thay đổi nhất định: “tấn nào nằm trên địa
phận quan yếu ở cửa bể, nếu trước chỉ cấp 5, 7
cây điểu sang thì nên cấp thêm đủ 10 cây, hoặc 8, 9 cây. Còn nơi không
phải quan yếu, trước không chuẩn cấp, nay cấp cho mỗi tấn 5 cây [17; tr. 341].
Các pháo đài trọng yếu miền biển tuy không thuộc chế độ quân cấp của các lệ định
trên song lại là nơi được trang bị vũ khí và phương tiện canh phòng hơn hẳn các
tấn, bảo, sở.
Như vậy, các
vua Nguyễn đã có cái nhìn đúng đắn tầm quan trọng của biển trong việc bảo vệ an
ninh – phòng thủ quốc gia và hoạt động kinh tế. Chính vì thế, nhà Nguyễn đã xây
dựng hệ thống phòng thủ ở các cửa biển các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Quảng
Trị nói riêng, nhằm đảm bảo cho an ninh quốc gia cũng như sự an toàn của kinh
thành Huế.
1.3.Hệ thống phòng thủ vùng núi
a. Đồn, bảo
“Bảo
là đồn binh nhưng được xây dựng như một thành nhỏ, có lũy đất và hào bao bọc
xung quanh. Một số bảo còn được đắp các ụ đất để đặt đại bác. Lực lượng đóng
trong các bảo này là quân chính quy của tỉnh hoặc do triều đình phái đến. Một số
trường hợp bảo do thổ binh đóng giữ. Quân đồn thú ở các bảo, đồn, sở ven biên giới
thường được gọi chung là lính thú.”[8; tr. 225].
Lực lượng lính thú ở các đồn bảo được nhà
nước quy định thời gian phục dịch là 5 năm, trong thực tế thì thời gian phục dịch
sớm hơn. Nhiệm vụ của lực lượng quân đồn trú là sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng tại
quan ải khi có sự biến hoặc cơ động trấn áp bạo loạn, trộm cướp. Ở Quảng Trị,
triều đình đã cho đặt ba bảo: Bảo Cam Lộ, bảo Trấn Lao, bảo Yên Man ở vùng tiếp
giáp giữa huyện Thành Hóa và chín châu Kimi ở phủ Cam Lộ. Do Cam Lộ nằm ở vị
trí trọng yếu nên hệ thống đồn, bảo ở đây đã đước chú trọng xây dựng nhiều hơn
sơ với các khu vực khác.
*Bảo Cam Lộ
Ở Quảng Trị vùng phía Tây Cam Lộ nước
Xiêm, Vạn Tượng thường tổ chức lực lượng sang lấn đất, bắt người cướp của nhân
dân. Chính vì thế nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở đây hệ thống đồn, bảo nhằm tăng
cường sự kiểm soát của nhà nước. Vua Minh Mạng nhận thấy tầm quan trọng của
vùng đất Cam Lộ “Từ Ai Lao đến Quảng Trị,
đường đi không đầy mười ngày, thật là một nơi quan yếu. Sau này nên mở mang ra,
nhân chỗ hiểm, đặt đồn để làm hàng rào bên ngoài thì không ngoài mười năm, người
chín châu sẽ đều là quân dân của triều đình cả” [28; tr. 801].
Theo Đại
Nam nhất thống chí, ở lỵ sở huyện Thành Hóa, bảo đắp bằng đất, trước có thuế
nguồn, sau bỏ bổ về huyện. Lại cửa quan sông Hiếu ở phía Tây huyện Thành Hóa, đặt
tại phường An Thái cửa Mậu Hòa ở phía Bắc huyện, đặt tại phường Mậu Hòa, Cửu
Ngưu Cước (chăn trâu) ở phía Tây huyện, phía Nam giáp nguồn Tho Lay, đặt ở phường
Mai Lộc [22; tr. 173].
*Bảo
Trấn Lao
“Bảo
trấn Lao nguyên là điền dinh Ai Lao thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII, XVIII) do 6
thuyền quân đóng giữ” [8; tr. 325]. Nằm ở phía Tây huyện Thành Hóa, chu vi
90 trượng, cao 6 thước, mở hai cửa [25; tr. 173]. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833),
đã cho đắp một bảo ở địa phận tổng Làng Hạ gọi là bảo Ai Lao, lấy 50 lính cơ Định
Man đến đóng thú [25; tr. 174]. Tháng 10 năm 1854 bảo Ai Lao đổi thành bảo Trấn
Lao.
Phía Bắc bảo Trấn Lao ở địa phận tổng
Lùng Biên còn có bảo Yên Man chu vi 80 trượng, cao 5 thước mở hai cửa cung do
quân cơ Định Man cùng thổ binh đóng giữ. Hai bảo này có nhiệm vụ che chắn vững
vàng cho lãnh thổ ven biên giới phía Tây đạo Quảng Trị.
Việc đặt đồn, bảo là biện pháp nhằm giữ an
ninh vùng núi. Chính vì vậy, vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835): “đặt đồn Tĩnh Man thuộc Quảng Trị. Ba châu Ba
Lan, Tầm Bồn, Mường Bổng thuộc phủ Cam Lộ trong tỉnh hạt, trước giặc man quấy
nhiễu, thổ dân đem lòng sợ hãi, nhiều người xiêu dạt chưa về. Quan tỉnh xin thiết
lập đồn bảo ở sông Tầm Lục (thuộc châu Tâm Bồn), phái lính đến canh giữ để trấn
áp. Vua chuẩn y lời xin, đặt tên đồn là Tĩnh Man, phái 50 lính cơ Định Man đóng
giữ, mỗi tháng một lần thay phiên” [30; tr. 809].
Tự Đức thứ 3 (1850) chuẩn y: Hai bảo Yên
Man, Ai Lao, mỗi bảo phái biền binh cơ Định Man đóng giữ nay mỗi bảo vẫn lưu lại
một viên suất đội và 30 biền binh, để đủ giúp việc phòng thủ. Lực lượng cơ Định
Man được biên chế, chia thành các đội, thay phiên nhau canh giữ các đồn, bảo. Số
quân đội bố trí ở các đồn không cố định mà thường xếp đặt theo vị trí của từng
đồn. Mỗi đội quân gồm 40 – 50 người đóng giữ, nhưng khi có sự cố xảy ra thì lực
lượng tăng lên do quân tỉnh và quân triều đình phái đến. Lực lượng đóng giữ ở đồn
Tĩnh Man được triều đình quy định:
“Trích
lấy những dân làng phụ cận, quy bổ vào cơ Định Man, phân phái phòng giữ, cứ một
tháng một lần thay đổi (trích ra những binh đinh ở các thôn phường thuộc 6 xã:
Bích Giang, Cam Đường, Phú Ngạn, An Khê, Thanh Khê, Mai Đàn Thượng, cùng các
dân khỏe mạnh ở trong các làng, quy thu làm 5 đội: 6, 7, 8, 9, 10 trong cơ Định
Man, hiệp với các đội trong cơ ấy từ đội thứ nhất đến đội thứ 5 cho đủ 10 đội,
phân phái đóng đồn canh giữ” [32; tr. 480-481].
Ngoài hai đồn Tĩnh Man và Ngự Man ở đạo Cam
Lộ thì ở Quảng Trị, triều Nguyễn còn thiết lập đồn Ba Thung. Vào năm 1866, Nguyễn
Qúy xin đặt đồn Ba Thung ở Quảng Trị, phái quan quân đóng ở đấy, chiêu tập dân
đến ở. Quan viện cơ mật cho chỗ ấy gần với nước Cao Miên, làm đồn đóng quân,
không khỏi làm cho nước ấy nghi ngờ, xin xét tình thế khuyên mộ dân mở mang dần
dần, đợi khi quả thực dân tình vui theo, người Man không ngờ mới nên đi kinh
lý. Vua bảo rằng: “trước Nguyễn Văn Tường
cũng xin làm chuyện ấy, tất phải làm theo lời nói, chuẩn cho làm bang biện huyện
Thành Hóa để làm việc, cấp cho ấn “khâm phái quan phòng” cho được tự ý tư tâu” [33;
tr. 1030].
Trên cơ sở nhận
thức sâu sắc của triều Nguyễn về vị trí địa lý quan trọng của tỉnh Quảng Trị mà
đặc biệt là vùng Cam Lộ, một hệ thống phòng thủ đồn, bảo được xây dựng khá chặt
chẽ. Việc xây dựng hệ thống đồn, bảo đã góp phần tăng cường hiệu lực trị an ở
vùng biên giới. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của các vị vua triều Nguyễn
đến vấn đề kiểm soát vùng đất biên giới, tạo nên thế vững chắc trong công cuộc
phòng thủ đất nước, ngăn chặn nạn ngoại xâm.
b. Thành, lũy.
*
Thành Quảng Trị:
Thành Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị,
cách quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông Bắc, cách thành phố Đông Hà 14km về phía
Đông Nam và cách thành phố Huế hơn 60km về phía Bắc. Khu vực này trước đây là địa
phận thuộc các làng Thạch Hãn, Cổ Vưu (Trí Bưu) và Cổ Thành; nay thuộc phường
II, thị xã Quảng Trị. Phía Tây được ngăn cách bởi sông Thạch Hãn. Phía Bắc là
con sông Vĩnh Định – một chi lưu của sông Thạch Hãn. Phía Đông và phía Nam là
cánh đồng của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Đây chính là hệ thống giao
thông đường sông quan trọng nối liền thị xã Quảng Trị với các vùng trong tỉnh
và đặc biệt là với Kinh sư của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ phận cấu trúc chính tọa ra diện mạo
tổng quan của thành Quảng Trị là phòng thành. Cùng những công trình kiến trúc
mang chức năng khác nhau liên quan đến một trung tâm hành chính, được xây dựng
và bố trí bên trong nội thành, theo mô hình chung như nhiều tỉnh thành khác
trong cả nước. Thành Quảng Trị chỉ có thành ngoài mà không có thành trong.
Thành ngoài được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành được cấu trúc
theo kiểu Vauban. Đặc điểm của thành lũy cấu trúc theo kiểu Vauban là cả một hệ
thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang
tính phòng thủ rất vững chắc. Nhìn toàn cục nó bao gồm các bộ phận chính kể từ
trong thành ra bên ngoài như sau: Lũy, pháo đài, tường bắn, những pháo nhãn hay
pháo môn, đường phòng hộ chân thành ngoài, hào, đường ngoài hào hay còn gọi là
thành giai, đường kín. Kiểu kiến trúc đó “xuất
hiện trong điều kiện mà quân đội nhiều nước trên thế giới đã qua khỏi thời đại
chiến đấu bằng cung tên và gươm giáo, họ đã được trang bị bằng các vũ khí bắn đạn
dược đẩy đi bằng thuốc súng” [2; tr. 129].
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ : thành Quảng Trị có chu vi 489
trượng 6 thước, cao 1 trượng 3 thước, mở 4 của, 1 kỳ đài, hào rộng 2 trượng
[21; tr. 144].
Quảng Trị là địa hạt trực lệ của Kinh
sư cùng với Quảng Bình là hai dinh hữu trực, là những phên dậu trọng yếu của
Kinh sư trong dải đất miền Trung. Trải qua nhiều giai đoạn, do chịu tác động của
những cải cách liên tục về bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến triều Nguyễn
nên dù có sự thay đổi về tên gọi đơn vị hành chính (từ dinh, trấn sang đạo hay
tỉnh), lãnh thổ (khi rộng, hẹp khác nhau), nhưng dưới con mắt của các vua Nguyễn,
bao giờ Quảng Trị cũng là một phên dậu
có ý nghĩa chiến lược cho Kinh thành dưới nhiều gốc độ. Vì thế, nằm trong ý đồ
thiết lập hệ thống các công trình phòng thủ mặt bắc của Kinh đô Huế trong phạm
vi khu vực phía Nam đèo Ngang, thành Quảng Trị và thành Đồng Hới có nhiệm vụ trấn
giữ hai cửa ngõ trọng yếu là cửa Nhật Lệ và Việt Yên phía Bắc Kinh sư. Mặt
khác, trong địa hạt Quảng Trị, thành Quảng Trị nối kết với hệ thống đồn, bảo,
trấn là những công trình phòng thủ chiến lược mặt Đông và Tây của tỉnh, đáng
chú ý là địa bàn trọng yếu miền Tây trên tuyến hành lang Đông - Tây nối Quảng Trị với Ai Lao vốn đã hình
thành từ rất sớm thông qua con đường thương mại, trao đổi, buôn bán.
Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược củng cố
an ninh vương triều mà nhà Nguyễn thực thi đối với vùng này cũng như nhiều nơi
khác thì các sách lược ổn định về chính trị, các chính sách biệt đãi về kinh tế,
xã hội luôn được đặc biệt chú ý. Việc xây thành Quảng Trị để sử dụng vào mục
đích quân sự, “cho mạnh sự phòng thủ ở
trong bờ cõi” là vấn đề quan trọng, luôn được Gia Long và Minh Mạng quan
tâm. Chiến lược phòng thủ của các vua triều Nguyễn trên một địa hạt gần Kinh đô
như Quảng Trị không phải chỉ dựa vào sự vững chắc của thành lũy mà cái chính phải
“cốt người có tài là hơn (địa dĩ nhân nhi
thắng) cũng đủ làm cái hiểm trở vô hình rồi”. Bởi vậy, có thể nói, vị thế của
thành Quảng Trị dưới triều Nguyễn giữ vai trò của một trung tâm chính trị, hành
chính hơn là một công trình phòng thủ quân sự. Tại đây, cơ quan đầu não của bộ
máy chính quyền địa phương đại diện cho triều đình Huế thực hiện các quyền quản
lý và điều hành tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn địa hạt.
Từ
năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu tấn công xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn
sau một thời gian tổ chức chống cự yếu ớt đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ
khác. Năm 1883, trước sự uy hiếp của thực dân Pháp, Huế không còn là Kinh đô an
toàn cho vua quan triều Nguyễn. Những người theo phái chủ chiến, đứng đầu là
Tôn Thất Thuyết, cùng với Nguyễn Văn Tường đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh
để kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh đó, kinh đô dã chiến đã được xây dựng ở
Quảng Trị làm nơi trú ẩn cho vua và quan lại nhà Nguyễn. Đó là sơn phòng Tân Sở.
Sau sự kiện binh biến đêm 4-7-1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng
đoàn tùy tùng đã chạy ra Tân Sở để phát động phòng trào Cần Vương chống Pháp và
đã dừng chân tại thành Quảng Trị.
Hưởng ứng Hịch Cần Vương, Quảng Trị
cùng cả nước dấy lên một phong trào chống Pháp khắp nơi dưới sự lãnh đạo của
các văn thân, sĩ phu yêu nước. Các thủ lĩnh địa phương tiêu biểu như Trương
Đình Hội, Hoàng Văn Phúc, Đỗ Văn Chung, Ngô Viết Nghệ, Hồ Văn Chước…đã gây cho
Pháp nhiều thất bại. Ngày 6-9-1885, lợi dụng đám tang của một quan Tham tri bộ
binh, một nhóm văn thân đã tổ chức tấn công đánh chiếm thành, cướp nhà kho để lấy
súng đạn, giải giáp binh lính, bắt quan Tuần phủ Trương Quang Đản, làm chủ tỉnh
lỵ, tạo đà cho các nhóm văn thân ở địa phương Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh,
Vĩnh Linh nổi dậy. Việc nghĩa quân Văn Thân tấn công trực tiếp vào dinh lũy bộ
máy chính quyền nhà Nguyễn và thực dân Pháp tại thành Quảng Trị đã đánh dấu móc
mới trong khí thế tiến công của nhân dân Quảng Trị trong những ngày đầu Cần
Vương kháng Pháp [38; tr. 207 – 209].
Có thể thấy rằng, thành Quảng Trị được xây
dựng dưới triều Nguyễn mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính chính trị hơn
là một công trình phòng thủ bờ cõi. Sau này khi thực dân Pháp thống trị, cùng với
thành Đồng Hới, thành Quảng Trị được quân đội Pháp chọn một trong những cứ điểm
quan trọng của hệ thống đồn quân sự dày đặc thuộc vùng đất giữa Huế với Vinh.
Trong giai đoạn này, người Pháp không chỉ thiết lập ở thị xã Quảng Trị một
trung tâm chính trị với bộ máy hành chính nhà nước bao gồm cả chính quyền Pháp
lẫn Nam triều, mà còn tiến hành đầu tư xây dựng để biến nơi đây thành một đầu mối
kinh tế có lợi cho sự kinh doanh của giới tư sản Pháp.
*
Thành Vĩnh Ninh:
Thành Vĩnh Ninh được khởi công vào năm
Minh Mạng thứ 9 (1828). Thành nằm ở hai phường Yên Mỹ, Tân yên xã Cam Lộ. “Thành có chu vi 138 trượng lính cao 6 thước
5 tấc, dày 1 trượng 5 tấc, mở 3 cửa, hào rộng 1 trương, sâu 5 thước. Lúc đầu
xây thành Vĩnh Ninh được đắp bằng đất, đến năm 1849, 3 cửa thành được xây dựng
bằng gạch và đá [4; tr. 18]. Năm (1829), Minh Mạng sai quan tổng thống chế
là Phạm Văn Điển đốc xuất việc làm, trên thành đắp 4 pháo đài, đem súng đồng ở
kho kinh sư và súng đồng Qúa Sơn tất cả là 8 cổ súng để trong thành ấy, lại xây
cột cờ làm kho thuốc súng cũng và các trại cho quân lính ở [26; tr.237 – 238].
Thành Vĩnh Ninh được trang bị súng ống đảm bảo sức chiến đấu cho thành. Trên
thành đắp 4 đài, đặt súng gang và súng Qúa Sơn, trong thành xây kỳ đài, dựng
kho thuốc súng và các trại của quan quân. Minh Mạng năm thứ 10 (1829) vua chuẩn
y: Cho soạn ra 8 cổ súng gang, 8 cổ súng
đồng, gồm 16 cổ và mỗi cổ 100 hòm đạn và đầy đủ khí cụ kèm theo súng, do đường
thủy vận hành đi thành Vĩnh Ninh đạo Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, giao viên quản
đạo đặt ở 4 đài trên thành” [19; tr.
443].
Việc trang bị thiết bị súng đạn đã được
triều đình chú ý, theo dõi hàng năm. Năm
1836 Minh Mạng “lại chuẩn bị lễ chia đặt cổ súng…Thành Vĩnh Ninh thuộc đạo Cam
Lộ: 2 cổ Hồng Y cương pháo, 6 cổ Phách Sơn cương pháo, 8 cổ Qúa Sơn đồng pháo,
tất cả 38 cổ” [30; tr. 859]. Lực lượng binh lính đóng ở thành Vĩnh Ninh chủ
yếu là lính địa phương ở cơ Định Man, thay phiên nhau đóng giữ. Bên cạnh đó,
hàng năm triều đình còn cắt cử quân ở tỉnh lên hay từ kinh đô để tăng thêm lực
lượng phòng giữ, bảo vệ cho thành “vua thấy
binh ở trấn, đạo ít, phái thêm binh ở kinh 500 người, sai thống chế Phạm Văn Điểm
đi coi công việc” [28; tr. 840].
Cam Lộ vốn là vùng đất sát biên giới
nên việc xây dựng thành Vĩnh Ninh có ý nghĩa rất lớn trong việc trấn giữ và bảo
vệ địa bàn. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thành Vĩnh Ninh được đổi làm phủ thành
Cam Lộ. Minh Mạng “bắt đầu đặt tri phủ
Cam Lộ, nhưng vẫn đóng ở thành Vĩnh Ninh, chuẩn cho theo lệ huyện to, cấp tiền
công phu là 60 quan” [29; tr. 249].
Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ba cửa thành Vĩnh Ninh được xây bằng gạch đá.
Năm Tự Đức thứ 6 (1853) bỏ phủ Cam Lộ, đổi thành làm bảo, bổ viên quân cơ Định
Man giữ bảo, cùng viên tri huyện Thành Hóa đóng giữ [25; tr. 118].
Nhận thức được vị trí quan trọng của
vùng đất Cam Lộ nói riêng, Quảng Trị nói chung trong vấn đề an ninh quốc gia, bảo
vệ biên giới nhà Nguyễn đã cho xây dựng thành Vĩnh Ninh. Thành được xây dựng một
cách kiên cố, được trang bị súng ống đầy đủ, phòng khi xảy ra biến cố. Điều đó
đã thể hiện được tầm nhìn xa của các vị vua triều Nguyễn muốn cũng cố quốc gia,
trị an vùng biên ải.
c.
Sơn phòng.
Nếu như hệ thống đồn, bảo ở Quảng Trị
đã có từ thời Gia Long, Minh Mạng thì hệ thống sơn phòng được xây dựng muộn
hơn. Các sơn phòng có vị trí chiến lược trong công cuộc tổ chức phòng thủ đất
nước.
Việc xây dựng các sơn phòng ở các tỉnh
đã được các quần thần tâu lên vua Tự Đức “các
tỉnh Tả kỳ thì Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Hữu kỳ thì Quảng Trị,
Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình đều đặt đồn điền khai khuẩn,
cho việc phòng bị được nghiêm”. [34; tr. 136]. Nhà Nguyễn đã thiết lập các
nha doanh điền và nha sơn phòng nhằm khai khẩn đất mới ở vùng thượng du và là
nơi để phòng thủ khi có những việc không ngờ, nhất là khi âm mưu xâm lược của
thực dân Pháp ngày càng lộ rõ.
Đứng trước nguy cơ xâm lược của thưc
dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn cùng với nhân dân cả nước đứng lên chống ngoại
xâm. Tuy nhiên, đối lập với nhân dân, triều Nguyễn lại chống cự một cách yếu ớt
và không có thái độ dứt khoát, đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Trước
sự công phá của Pháp vào Thuận An, triều đình nhà Nguyễn đã kí hiệp ước Hác
măng (22-8-1883), toàn bộ dân tộc ta đã mất độc lập, tự do. Tiếp theo đó ngày
6-6-1884, Hiệp ước Patonot cũng được ký kết (6-6-1884), thực dân Pháp đã hoàn
thành công cuộc xâm lược nước ta. Trước sự uy hiếp của thực dân Pháp, Huế không
còn là nơi an toàn cho vua quan triều Nguyễn. Vì vậy phái chủ chiến của triều
đình một mặt ráo riết chuẩn bị đối phó với địch, một mặt bí mật xây dựng các sơn
phòng. Ở các tỉnh miền Trung là nơi đầu tiên triều đình tiến hành xây dựng các
sơn phòng. So với các sơn phòng ở miền Trung, sơn phòng Quảng Trị được xây dựng
với quy mô lớn nhất. Nhận thấy sự quan trọng và tầm nhìn chiến lược của Quảng
Trị, nên ngay khi được cử làm “Phủ Doãn”, Nguyễn Văn Tường đã xin về Thành Hóa
(tức Cam Lộ ngày nay) để làm Tuyên Phủ Sứ đặt cơ sở cho việc xây dựng kinh đô ở
Tân Sở . Ông nhận thấy rằng: “các Châu ở Thành
Hóa đất liền với kinh đô, đời đời làm phên che giúp đỡ, sản vật có thể dùng được,
dân phong có thể sai khiến được…” [33; tr. 902]. Năm Tự Đức thứ 28 (1875),
sơn phòng Quảng Trị đã được đặt tại vùng Cam Lộ. Năm 1884, mâu thuẫn giữa phái
chủ chiến với thực dân Pháp đã đến độ chín muồi không thể cứu vãn được. Nguyễn
Văn Tường tiếp tục tăng cường thiết lập sơn phòng Tân Sở.
“Di chuyển nha đóng ở sơn phòng Quảng
Trị cùng với nha ở phủ Cam Lộ. Nguyên nha sơn phòng và phủ Cam Lộ trước đặt ở địa
phận xứ Động Ngang, huyện Thành Hóa. Quan cơ mật viện tâu rằng: “Sơn phòng của
Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho Kinh đô. Nơi liền với đất cũ này là địa phận của
xã Bảng Sơn, địa thế rộng rãi có thể chứa được một khu kiến trúc lớn di về đây,
phủ, nha cũng xin chuyển về phòng nội.
Đến lúc ấy bèn chẩn y cho đắp thành,
đào hào, xây đắp nha thự, kho súng, nhà lính cùng với các tào kì đài, pháo đài,
chọn nơi di chuyển trấn Lao Bảo…; thiết lập nhà ở và làm việc cho các quan viên
văn võ, đặt ra kho thuốc súng, nhà lính và xưởng voi…
Lại mở hai thượng lộ, phía Nam thông
đến kinh phủ, phía Bắc thông đến Quảng Trị, sơn phòng, có lẽ ý ấy là muốn cũng
cố con đường phía sau để bảo vệ kinh sư như vậy (tiếp đó, lại đem thuốc súng,
vàng bạc, tiền nong về trữ ở sơn phòng ấy khá nhiều)”[1; tr. 232].
Có thể thấy rằng Nguyễn Văn Tường là
người có đóng góp rất lớn đối với sơn Phòng Quảng Trị. Sau chuyến đi kinh lý ra
khảo sát vùng đất Thành Hóa, Quảng Trị vào tháng 2 năm 1864, cho đến khi hoàn
thành xong thành Tân Sở (1885), với thời gian 21 năm, Nguyễn Văn Tường đã từng
bước tiến hành công việc xây dựng kinh đô dã chiến này. Trong khoảng thời gian
đó Nguyễn Văn Tường đã không ngừng tích cực vận động triều đình nhà Nguyễn
chiêu mộ dân phu để hoàn thành công việc của mình. Chính nơi đây đã trở thành
kinh đô kháng chiến thật sự của phái chủ chiến sau ngày kinh thành Huế thất thủ,
là nơi ngọn cờ Cần Vương được phất lên, kêu gọi các văn thân, sĩ phu yêu nước đứng
lên giúp vua cứu nước.
Thành Tân Sở được xem là “nơi ngụ mới” của nhà vua và triều đình
trong trường hợp phải di tán khỏi kinh đô Huế. Do đó việc xây dựng sơn phòng
Tân Sở được triều đình quan tâm nhất. Hàng vạn dân phu và binh linh đã được điều
động tới đây, ngày đêm xây dựng. Theo tư liệu địa chí của Nguyễn Cửu Sà ghi
chép lại:
Thành Tân Sở cách Cam Lộ 15km về
phía Bắc. Thành hình vuông mỗi cạnh 780m, gồm hai vòng thành, vòng ngoài có hào
rộng và chông tre, vòng trong bằng đá mỗi cạnh rộng 420m có chỗ che cung vua,
dinh các quan, trại lính, kho thuốc súng và các công sự phòng thủ với hơn 1000
đại bác cùng nhiều đạn dược [36; tr. 62-64].
Theo các nguồn tài liệu khác khi
nghiên cứu vê Thành Tân Sở, cho rằng Tân Sở được xây dựng trên một khu đất hình
chữ nhật. Bờ thành đắp đất và kè đá. Các lũy che chắn bằng các bờ tre dày. Những
công trình bên trong được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá làm hành cung. Theo
những nghiên cứu của tác giả Đỗ Bang đã công bố “Tân Sở chiếm một diện tích
23ha (lớn hơn diện tích thành cổ Quảng Trị) bề dài 548m, bề ngang 418m”[40; tr.
131]. Tổng diện tích bằng 22,9ha. Thành có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu và được đắp
bằng đất nện chặt. Phía trong đào hào sâu (hào sâu 2m và rộng 10m) là chướng
ngai vật để bảo vệ cho thành thêm vững chắc nếu có sự uy hiếp, tấn công từ bên
ngoài, đào được 4 giếng nước (sâu 20m) ở 4 góc thành để lấy nước sinh hoạt cho
vua và binh lính. Thành nội được xây ở trung tâm của Tân Sở bằng gạch, đá, vôi,
vữa có kích thước chiều dài 165m và chiều ngang 100m, tổng diện tích là 22,9ha.
Vị trí thành nội cách cổng tiền 144m, cách cổng hậu 266m, cách cổng tả 130m,
cách cổng hữu 45m. Nội thành có 4 cửa, ngoài ra còn có cửa Ngọ Môn dành riêng
cho vua quan ra vào hành cung. Bên trong được bố trí các ngôi nhà kiên cố dành
riêng cho vua, quan ở, làm việc như Tiền đường, Bang tá, Lãnh binh, chánh sứ,
Phó binh…Trong khuôn viên của Tân Sở xây dựng nhiều thành lũy chiến đấu với nhiều
kho súng đạn, các bãi tập, bãi chiến đấu của voi ngựa. Hệ thống thành lũy này
là vật cản đối với sự xâm phạm từ bên ngoài.
Sơn phòng Tân Sở là công trình lao động
của hàng vạn dân binh từ mọi miền đất nước. Họ được huy động, tập trung về xây
dựng một cách khẩn trương, bí mật.“Trên
dòng sông Huế, đò, thuyền ngược xuôi không ngớt để chuyên chở ngói, gạch, tre,
gai từ đồng bằng lên xây dựng. Nhân dân sở tại đóng góp công sức trong việc đào
hào đắp lũy”. Các con đường mòn xưa hiu hắt (tuyến đường bộ lên Hướng Hóa)
nay cũng nhộn nhịp hẵn lên “Tân Sở bảo
bùng, khẩn dựng đế kinh” [40; tr. 245]. Dân đinh đóng góp mỗi người 4 gốc
cây tre ngà hoặc các loại tre có nhiều gai để xây dựng lũy thành ngăn bước quân
thù. Ngoài ra, vùng núi nơi đây cũng đóng góp nhiều song, mây, tre, nứa để làm
nhà, dựng trại.
Tân Sở là kinh đô thứ hai của triều
Nguyễn, là kinh đô dự phòng, kinh đô thời chiến cũng như Tây Đô ở Thanh Hóa thời
nhà Hồ, chứ không thuần túy là căn cứ quân sự. Tân Sở là tòa thành cuối cùng của
triều Nguyễn nhưng không xây dựng theo kiểu thành Vauban phổ biến vào thời Nguyễn,
mà kiến trúc thành Tân Sở là một kiến trúc thành lũy truyền thống Việt Nam nặng
về yếu tố quân sự hơn là một chức năng của một trung tâm chính trị, hành chính,
văn hóa quốc gia.
Tân Sở là một công trình thành lũy
giả chiến, căn cứ phòng bị cho kinh đô khi thất thủ, trung tâm đầu não lãnh đạo
phong trào Cần Vương. Đây là công trình phòng thủ đặt ở vùng núi phía Tây tỉnh
Quảng Trị một địa bàn có vị trí chiến lược, là bình phong che chắn dựa trên sự
hiểm yếu của đồi núi nhằm chống lại sự xâm lược của ngoại bang. Tuy nhiên vùng
Tân Sở dễ bị cô lập khi bị bao vây, phong tỏa từ bên ngoài “lúc này Tôn Thất Thuyết mới thấy rõ Tân Sở
có nhiều điều bất lợi như núi non hiểm trở vây quanh, đất đai lại xấu, cư dân
thưa thớt. Hơn nữa, nếu quân Pháp đến chiếm đóng Cam Lộ, thì Tân Sở như một cái
rọ mà cửa đã đóng kín” [10; tr. 46].
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
----***----
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]
Trần Xuân An (2006), “Nguyễn Văn Tường”,
Nxb Thanh niên.
[2]
Phan Thuận An (1995) “Kinh thành Huế”,
Nxb Thuận Hóa, Huế.
[3]
Dương Văn An (2009), “Ô châu cận lục”,
Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4]
Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ (2003), “Lịch
sử Đảng bộ huyện Cam Lộ (1830 – 2000)”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5]
Đỗ Bang (1997) “Kinh tế thương nghiệp Việt
Nam dưới triều Nguyễn”, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[6]
Đỗ Bang (2011), “Hệ thống phòng thủ miền
Trung dưới triều Nguyễn”, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
[7]
Lê Tiến Công (2006), “tổ chức và hoạt động
phòng thủ vùng biển các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn: Thời kỳ 1802 – 1858”
LVThSKHLS, ĐHKH Huế, Huế.
[8]
Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Tuấn Chung (1994), “Ông
cha ta bảo vệ biên giới từ thời Hùng Vương đến nhà Nguyễn”, Nxb Công an
nhân dân, Hà Nội.
[9]
Phan Huy Chú (1992) “lịch triều hiến
chương loại chí” bản dịch tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[10]
Trần Ngọc Duyệt (2008), “Hệ thống sơn
phòng triều Nguyễn ở một số tỉnh miền Trung nửa sau thế kỷ XIX” Luận văn thạc
sĩ khoa học lịch sử, Đại học khoa học Huế, Huế.
[11]
Lê Qúy Đôn (1977), “Phủ biên tạp lục”,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[12]
Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị (1996), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[13]
Nhiều tác giả (2003), “Lịch sử Đảng bộ
huyện Cam Lộ”, Nxb Chính trị quốc gia.
[14]Lê
Thị Diệu Muội (1995) “Cụ Thế Vỹ và làng Tân Tường”, Tạp chí Cửa Việt.
[15]
Trần Thị Tuyết Nga (2012), “Quảng Trị dưới
triều Nguyễn”, LVTHS Sử học, Trường Đại học sư Phạm Huế, Huế.
[16]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T2), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[17]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T5), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[18]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T7), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[19]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T8), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[20]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T9), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[21]
Nội các triều Nguyễn (2005), “Khâm định Đại
Nam hội điển sự lệ” (T13), Nxb Thuận Hóa, Huế.
[22]
Vũ Huy Phúc (1964), “chính sách công
điền, công thổ của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX” Tc NCLS (5).
[23]
Nguyễn Phan Quang (1999), “Việt Nam thế kỷ
XIX (1802-1884), Nxb TPHCM, Hồ Chí Minnh.
[24]
Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), “Đại
Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị, Tu Trai-Nguyễn Tạo dịch, Nhà
văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn.
[25]
Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), “Đại
Nam nhất thống chí”, bản dịch tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[26]
Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), “Minh Mệnh
chính yếu”, (T3), Nxb Thuận Hóa Huế.
[27]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T1), Nxb GD, Hà Nội.
[28]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T2), Nxb GD, Hà Nội.
[29]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T3), Nxb GD, Hà Nội.
[30]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T4), Nxb GD, Hà Nội.
[31]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T5), Nxb GD, Hà Nội.
[32]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T6), Nxb GD, Hà Nội.
[33]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T7), Nxb GD, Hà Nội.
[34]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T8), Nxb GD, Hà Nội.
[35]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại
Nam thực lục”, (T9), Nxb GD, Hà Nội.
[36]
Nguyễn Cửu Sà (1995), “Tư liệu địa chí”, Tc
Cửa Việt (10).
[37]
Hồ Vĩnh Sính (2005), “Con người Quảng Trị
(nhân vật chí)”, nxb Chính trị Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
[38]
Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ quốc phòng “40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu
bảo vệ Thành Cổ 1972 – 2012”, Nxb Chính trị Quốc gia.
[39] Lê Thị Toán (2016), “Vài nét cơ cấu tổ chức
quân đội triều Nguyễn”, Tc NCLS (1).
[40]
Nguyễn Duy Tờ (2009), “Cam Lộ khát vọng
và yêu Thương” Nxb Thuận Hóa, Huế.
[41]
Hoàng Ngọc Tứ (2010), “Đóng góp của nhân
dân Cam Lộ trong phong trào Cần Vương ở Quảng Trị”, KLTN, Trường đại học Sư
Phạm Huế, Huế
[42]
Thái Quang Trung (2000), “Tình hình ruộng
đất và kinh tế nông nghiệp ở Quảng Trị, Thùa Thiên Huế nửa đầu thế kỷ XIX”, đề
tài nghiên cứu cấp trường, Trường ĐHSP Huế, Huế.
[43]
Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Trị (2010), “Kỷ
yếu hội thảo khoa học Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương, Cam Lộ”, tại
Quảng Trị.