Tuesday, December 22, 2015

TÍNH NHÂN NGHĨA CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM- KẾT TINH TÍNH NHÂN NGHĨA CỦA NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Một trong những nội dung cơ bản của học thuyết nhân nghĩa của Khổng Tử xuất phát từ quan điểm: Nhân là yêu người. Nhưng để yêu người thực sự bằng lòng "Nhân" thì phải"hiểu người" .  Do đó, "Nhân" và "Nghĩa" lại có nội dung gần nhau. Vì nghĩa được nhấn mạnh là sự "cư xử cho thích hợp" – dựa trên việc "hiểu người”. .
Tư tưởng của Mạnh Tử về nhân nghĩa: Kế tục những tư tưởng của Khổng Tử về nhânnghĩa với tư cách là thực hiện lẽ công bằng thể hiện ở mối quan hệ của lòng nhân bên trong hướng ra thực hiện việc nghĩa nơi ngoài. Theo Mạnh Tử “nhân nghĩa là phẩm chất cần thiết cho tất cả mọi người và khi nó đã được ứng dụng vào việc trị nước sẽ trở thành nhân nghĩa”.

Nhân nghĩa theo quan niệm của Nguyễn Trãi chính là yên dân: Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân (Làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân). Nhân nghĩa duy trì quốc thể an (Nhân nghĩa duy trì thế nước yên). Dân yên là dân yên ổn làm ăn, no ấm, không lầm than khổ cực. Thế nước yên là thế nước “yên vững” ( diện an), “ bốn biển từ nay yên tĩnh” “quốc gia trường cửu”, “non sông đẹp tươi”, “ thái bình muôn thưở”.
                   

    Trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý sau những lần phản công của quân ta, quân địch thực sự bị dồn vào cảnh thế cùng lực kiệt, đến nỗi “các tướng tá phải than thở với nhau: “số quân đem đi 10 vạn, phu 20 vạn, nay đã chết mất quá nữa, số còn lại thì ốm đau, lương ăn đã cạn” [1, tr 67].
Nắm bắt được tình thế của giặc, Lý Thường Kiệt chủ động cho sứ “đi hòa”, nhằm mục đích mở cho địch một lối thoát trong danh dự và kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi cho ta. Như lời Lý Thường Kiệt: “dùng biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu” [1, tr. 162]. Thế giặc lúc này như đói mà được cho ăn, khát mà có được nước uống, như giữa lúc chết đuối mà vớ được sào, như lời bình của các học giả nhà Tống: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào” [1, tr. 68]. Tuy vậy, để vớt vát phần nào thể diện nên Quách Quỳ nói rằng: “Ta không thể đạp đổ được sào huyệt của giặc (quân ta), bắt được Càn Đức (vua Lý Nhân Tông) để báo mệnh triều đình. Tại trời vậy! Thôi đành liều một thân ta để cứu hơn 10 vạn nhân mạng” [1, tr. 68]. Vậy nên, chúng vội vàng chấp nhận giảng hòa, mong bảo toàn tính mạng.
                      

    Khi quân Mông – Nguyên tràn vào nước ta, chúng hăng say cướp phá nước ta, cho đào Chiêu Lăng, đốt cung điện. Vua tôi nhà Trần sống ngày lam lũ, cực khổ, bần cùng, dân đói rét, ly tán, nạn diệt vong đe doạ mà ngày đêm chẳng thể yên ổn được, vậy nên còn nỗi đau nào bằng. Thế nhưng, sau khi giành thắng lợi, không vì đánh được giặc mà nghĩ việc lớn đã hoàn thành, phải dụng tâm mà lo cho nghiệp lớn hơn, như lời vua Nhân Tông: “các ngươi quả biết rõ là giặc Hồ nhất định không dám lại xâm lấn nữa thì nói rõ cho trẫm biết” [2, tr. 317].
Vậy nên, nước ta lúc này bên trong thì sử dụng chính sách tù binh rất nhân đạo (chỉ trừng trị những tên tướng giặc tàn ác, có nhiều nợ máu với dân tộc), bên ngoài thì vua sai người đi sứ cầu hòa, xin theo lệ cống hiến như xưa và trả bớt tù binh về nước.
Đặc biệt, trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã tiến hành rất kiên nhẫn và có hệ thống chiến lược : “đánh vào lòng người” như đã nêu trong “Bình Ngô Sách”. Ông đã nhiều lần thay mặt cho Lê Lợi viết thư cho tướng Minh, nêu rõ sức mạnh đoàn kết của quân và dân ta và mâu thuẫn xâu xé nội bộ địch…vừa nêu rõ sự khó khăn tuyệt vọng, thất bại của địch, vừa chỉ ra lối thoát cho chúng và khẳng định ý chí kiên quyết tiêu diệt địch của quân và dân ta, lại vừa nêu rõ chính sách khoan hồng của dân tộc ta đối với hàng binh, tù binh…Kết quả là “thành giặc các nơi, mũi nhọn không dính máu mà tự mở”, hành vạn quân địch ra hàng. Khi ta hoàn toàn giải phóng đất nước, bao vây thành Đông Quan, Nguyễn Trãi thay mặt cho Lê Lợi gửi thư cho Vương Thông đề nghị giảng hòa, Vương Thông chấp nhận, buộc 10 vạn quân địch còn lại phải đầu hàng và được rút quân về nước…
Bài học đó được Đảng ta, Quân đội ta và nhân ta vận dụng và phát huy tính nhân nghĩa của cha ông ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong tư tưởng nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh, đối với địch, dù họ là kẻ đi xâm lược, không phân biệt màu da hay quốc tịch, Hồ Chí Minh đều coi họ là con người. Theo Hồ Chí Minh, họ cũng có Tổ quốc, có cha, mẹ, có anh em và bạn bè, họ cũng muốn sống và phải được sống. Vì thế, đừng để họ phải chết uổng công, vô ích. Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Ri-sớt Ních-xơn, Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chiến tranh kéo dài làm cho nước Mỹ càng hao người tốn của. Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ. Trong số 25.000 binh sĩ Mỹ bị Chính phủ Mỹ đưa sang tham chiến ở miền Nam, đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương. Tức là hàng trăm nghìn chị em phụ nữ Mỹ đã bị mất chồng, mất cha, mất con, hoặc mất người yêu!”[3;488].
Trong chiến tranh, phía ta và bên địch đều phải đổ máu, hy sinh. Ai chết cũng vậy, Người đều đau thương, xem đó là kết quả từ tội ác của những người chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa. Người cho rằng “máu nào cũng là máu, người nào cũng là người”, “những dòng máu đó đều quý như nhau”, nên đã là con người thì phải được bảo vệ. Bởi vậy, ngay trong tư tưởng và hành động, không ở đâu, chưa khi nào Người chủ trương “giết sạch, đốt sạch” để trả thù bọn thực dân, đế quốc, mà chỉ tỏ rõ quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Đối với tù binh, hàng binh và những đối tượng có quan điểm và lợi ích đối lập với ta, Người luôn trân trọng phần thiện ở họ. Bằng nhiều cách, Người đã khai thác và tìm cách nhân lên tình người còn tiềm ẩn trong họ, giúp họ nhận ra lẽ phải để cải tà, quy chính. Nhờ độ lượng, vị tha, bằng những chủ trương, chính sách và cách xử lý “thấu lý, đạt tình”, Hồ Chí Minh đã tạo sức thuyết phục, cảm hóa đối với kẻ thù, đã thức tỉnh lương tri, quy tụ nhiều người lầm lỗi trở về với cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Với lòng nhân ái, vị tha, Hồ Chí Minh luôn đề cao chính sách đối xử nhân đạo với tù, hàng binh và những người lầm lỗi đã có “thiện tâm”, “phục đức”. Người nhắc nhở quân và dân ta cần đối xử khoan hồng với tù, hàng binh. Người chỉ thị: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”[3;29-30].Bản thân Người đã nhiều lần gặp gỡ tù binh, hàng binh, thăm hỏi gia đình, sức khỏe, sự đối đãi của phía ta đối với họ. Trong một bức thư gửi tới Người, 135 tù binh đã tỏ lòng “cảm kích sâu sắc trước tấm lòng độ lượng của Ngài đối với chúng tôi”.
              

Tư tưởng nhân văn, nhân đạo, khoan dung của Hồ Chí Minh với tù, hàng binh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng xuyên suốt trong các cuộc kháng chiến. Ngay sau Chiến dịch Biên giới (1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định ân xá, thả cả hai sĩ quan chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, cùng hàng trăm tù binh của Pháp. Ngay trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 30-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh người Bắc Phi. Trong thư gửi cho những tù binh này, Người viết: "Tôi biết rằng, đó không phải lỗi của các bạn, các bạn đều là nạn nhân buộc phải cầm súng chiến đấu cho thực dân Pháp". Người còn viết: “Tôi nghĩ rằng, đến một ngày gần đây hai dân tộc Pháp-Việt có thể cùng cộng tác trong hòa bình và thân ái, để mưu cầu hạnh phúc cho hai dân tộc”. Hồ Chí Minh giải thích với tù binh: "Các ông biết chiến tranh là chiến tranh. Quân đội Việt Nam chỉ làm chiến tranh trong các trận đánh, sau trận đánh đối với quân đội bại trận, Quân đội Việt Nam coi các binh sĩ như người dân Pháp". Trong một lần đến thăm tù binh, Bác còn cởi cả áo khoác của mình cho một sĩ quan Pháp đang bị sốt rét...
Chính lòng nhân đạo, khoan dung của Hồ Chí Minh trong việc xác định đúng kẻ thù và đối đãi với tù binh, hàng binh và người lầm lỡ quay trở lại với nhân dân, với cách mạng, đã làm giảm đi nhiều tổn thất trong các cuộc chiến tranh, nhất là làm dịu mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh. Cố Thủ tướng Ấn Độ P.J.Nê-ru từng viết: “Người (Hồ Chí Minh) là một con người của quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí nhất; xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
Thực hiện tư tưởng của Người, lòng nhân đạo đối với tù binh, hàng binh địch được nhân dân ta vận dụng rất thành công trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Tù binh và hàng binh Mỹ đều được đối xử rất nhân đạo, được giáo dục và trả về đoàn tụ cùng gia đình, có người sau này trở thành thượng nghị sĩ và Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Nhiều tù binh có tình cảm tốt với nhân dân ta và chính họ đã bắc nhịp cầu nối lại tình đoàn kết giữa hai dân tộc, mở ra phương hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia. Truyền thống đại nghĩa và nhân văn gắn liền với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thể hiện qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là thông điệp mà nhân dân ta muốn gửi tới các tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các thế lực thù địch có âm mưu chống phá công cuộc đổi mới trên đất nước ta, hoặc xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
            Tính nhân nghĩa từ lâu đã trở thành một đặc tính của dân tộc ta. Nó hình thành và phát triển cùng với quá trình tồn tại và phát triển của truyền thống đất nước. Trải qua nhiều thế hệ, nhiều biến cố, nhiều giai đoạn lịch sử, tính nhân nghĩa ấy ngày càng được sàng lọc, bồi đắp thêm. Ngày nay, việc nghiên cứu lối ứng xử của cha ông ta để đúc kết thành bài học là điều hết sức cần thiết. Đó là bài học về đức tính quý báu của dân tộc - bài học về tính nhân nghĩa.
                                                           LÊ VĂN VIỆN
          Sinh viên lớp sử 3C – Khoa Lịch Sử - ĐHSP huế

Chú thích:
(1)   Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí (2004), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
(2)   Ngô Sĩ Liên (2013), Đại Việt sử ký toàn thư(Bản dịch), NXB Thời đại, Hà Nội.
(3)    Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd.
(4)   Bài viết thầy Thái Quang Trung, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kết tinh nghệ thuật quân sự Việt Nam thời trung đại trang 122 trong Kỷ yếu hội thảo khoa học 60 năm chiến thắng Điện biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014)
(5)   Địa chỉ các trang web:


No comments:

Post a Comment