Nhiệm
vụ dân chủ là xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ
tư sản, gồm có
kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng là sự xác lập và mở đường cho sự phát triển vững chắc quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; kiến trúc thượng tầng bao gồm 2 yếu tố: xác lập quyền công dân và xác lập thể chế nhà nước.
kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng là sự xác lập và mở đường cho sự phát triển vững chắc quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; kiến trúc thượng tầng bao gồm 2 yếu tố: xác lập quyền công dân và xác lập thể chế nhà nước.
- Xác lập quyền công dân tức là xác
lập quyền tự do chính trị, quyền bình đẳng, đặc biệt là quyền tư hữu – một
trong những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhiệm vụ dân chủ này được
nêu lên đầy đủ thông qua các bản Tuyên ngôn, Hiến pháp của các cuộc Cách mạng
tư sản. Để hiểu hơn nhiệm vụ dân chủ, chúng ta lần lượt tìm hiểu một số bản
Tuyên ngôn và Hiến pháp thời cận đại.
* Trước hết là bản Tuyên ngôn về
quyền hành (Declaration of Rights) của nước Anh được Quốc hội phê chuẩn ngày
22-2-1689 gồm 13 điều. Nó xác lập chế độ quân chủ lập hiến, thể chế nhà nước mà
liên minh lãnh đạo cách mạng – giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc mới đã lựa
chọn để bảo vệ quyền lợi của mình. Điểm nổi bật của nó là quy định quyền lực
của Quốc hội hay có tên gọi khác là Nghị viện – cơ quan quyền lực cao nhất.
Điều 9 quy định quyền hành của nghị sĩ, viết: “Tất cả mọi cuộc tranh luận và tất cả các văn kiện của Nghị viện không
đưa đến bất cứ sự truy nã nào hay truy tố nào trước bất kỳ một toà án nào hay
bất kỳ địa điểm nào của ngoài Nghị viện”. Điều này có nghĩa, tại Nghị viện,
mọi nghị sĩ có quyền tự do ngôn luận mà không bị truy tố, miệt thị, kỳ thị như
trước đây.
Tuyên
ngôn cũng khẳng định quyền lập pháp của Nghị viện: “cái gọi là quyền gác lại các đạo luật hay thực thi các đạo luật theo ý
chí của vương triều mà không có sự tán đồng của Nghị viện là bất hợp pháp (điều
1)”; “quyền phổ biến các đạo luật hay thực thi các đạo luật do lệnh của triều
đình là sự vi phạm pháp luật, sự thực thi như trước đây là bất hợp pháp (điều
2)”, điều này có nghĩa quyền lực của Nghị viện lớn hơn so với nhà vua; “Thu tiền mà không có sự đồng ý của Nghị
viện là bất hợp pháp (điều 4)”; “động
binh mà không có sự đồng ý của Nghị viện là trái pháp luật”. Điều này có
nghĩa, trong vấn đề tài chính và huy động quân đội mà không có sự đồng ý của cơ
quan lập pháp thì coi như không có hiệu lực.
Tóm lại, bản Tuyên ngôn về quyền
hành của nước Anh là bản tuyên ngôn đầu tiên trên thế giới, đã tước bỏ quyền
lập pháp của nhà vua và trao quyền đó vào tay của Nghị viên – cơ quan đại diện
của nhân dân. Lưu ý rằng, nhân dân ở đây không phải tất cả mà chỉ có những
người giàu có. Sau cuộc Cách mạng tư sản, ở Anh chỉ có 3,6% (50.000 cử tri) dân
số có quyền bầu cử. Vì thế trong thế kỷ XIX, nước Anh liên tục có các cuộc đấu
tranh đòi cải cách chế độ tuyển cử, hạ thấp những quy định và tài sản. Kết quả
sau 3 lần cải cách thì chỉ có 12,5% (813.000) dân số trở thành người cử tri [1].
* Tiếp theo là Tuyên ngôn độc lập
của nước Mỹ được Đại hội lục địa lần thứ hai tại Philadelphia phê chuẩn ngày 4-7-1776. Bản
Tuyên ngôn này do Thomas Jefferson chấp bút cùng với sự đóng góp tích cực của
Benjamin Franklin.
T. Jefferson (1743-1826), sinh ra trong một gia đình điền chủ lớn tại Virginia . Ông tốt nghiệp
luật khoa và hành nghề luật sư tại chính quê hương mình. Bản thân ông rất am
hiểu về luật pháp nước Anh và chịu ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu tư tưởng dân
chủ châu Âu, nhất là của nước Pháp. Bản Tuyên ngôn mà ông viết được soi rọi bởi
tia sáng của nền lập pháp nước Anh và tư tưởng Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.
Ngoài việc chỉ trích tội ác của vua Anh và tuyên bố nền độc lập của nước
Mỹ, Tuyên ngôn đề xướng những nguyên tắc sống còn của giai cấp tư sản trong
thời đại mới. Tuyên ngôn viết: “Chúng tôi cho rằng sự thật sau đây là hiển
nhiển, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những
quyền thiêng liêng không thể ai xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền
được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” [2].
Đây là những quyền cơ bản mà các văn bản trước đây dưới chế độ phong kiến chưa
đề cập tới.
Quyền tự do ở đây là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, chống lại áp
bức, tự do kinh doanh, tư hữu tài sản của mọi người dân. Quyền bình đẳng ở đây
phải được hiểu là bình đẳng trước pháp luật không phân biệt giàu nghèo sang
hèn. Tổng thống cũng như thường dân một khi phạm tội đều bị xét xử như nhau
trước pháp luật.
Quyền được tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Tuy nhiên ở Mỹ
vào cuối thế kỷ XVIII, quyền bình đẳng này không phải áp dụng cho mọi người bởi
vì chỉ có người da trắng có tài sản mới có quyền bầu cử, còn phụ nữ, người da
trắng nghèo, nô lệ da đen, người da đỏ không có quyền đó. Người ta tính rằng
trong 3 triệu người Mỹ thời đó (1783) chỉ có 120.000 người có quyền bầu cử.
Quyền lực của chính phủ xuất phát từ nhân dân. Do vậy, Tuyên ngôn còn nêu
rõ: “Trong trường hợp một chính quyền có
sẵn nào đó trở nên thù địch với những mục đích trên thì nhân dân có quyền thủ
tiêu những chính phủ đó, thành lập những chính phủ mới dựa vào nguyên tắc đã
nêu. Với chính quyền như vậy, theo nguyện vọng của nhân dân phải đem lại an
ninh và hạnh phúc nhiều nhất cho họ” [3].
Việc Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ được công bố đã tích cực động viên
nhân dân Mỹ hăng hái tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập, bởi họ nhận thức
rằng một khi đất nước độc lập, các quyền cơ bản nêu ra trong Tuyên ngôn mới có
hiệu lực cho bản thân họ. Đồng thời, Bản tuyên ngôn đã ảnh hưởng lớn đến bản
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp vào năm 1789 và đưa đến
sự ra đời của tư tưởng lập pháp của giai cấp tư sản châu Âu sau này. Bản Tuyên
ngôn được liệt vào bộ luật quan trọng nhất trong lịch sử pháp chế của nhân loại
mà cho đến này những tư tưởng của nó vẫn còn nguyên giá trị.
* Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền của Pháp được Quốc hội lập hiến phê chuẩn ngày 26-8-1789. Bản Tuyên ngôn
này do Sieyes khởi thảo với sự giúp đỡ của T. Jefferson (lúc bấy giờ T.
Jefferson là công sứ của Mỹ tại Paris ).
Sieyes (1748 - 1836) vốn là viện trưởng của tu viện Thiên Chúa giáo. Bản
thân là cha cố song lại rất tích cực tham gia vào phong trào chính trị trước
lúc cách mạng nổ ra. Trong thời gian hoạt động, ông cho xuất bản tác phẩm “Thế nào là đẳng cấp thứ Ba”, trong đó
đã kích chế độ phong kiến chuyên chế và biện hộ cho nguyện vọng giành chính
quyền của giai cấp tư sản. Năm 1789, Sieyes tham gia Hội nghị Ba cấp với tư
cách là đại biểu của đẳng cấp thứ Ba. Tại đây, ông được Hội nghị ủy thác soạn
thảo bản tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn mang tên Nhân quyền và Dân quyền gồm 17
điều, đề cập đến những vấn đề cơ bản sau: “Mọi
người sinh ra và sống tự do và bình đẳng về các quyền, mọi sự phân biệt xã hội
chỉ có thể đặt trên cơ sở lợi ích chung (điều 1); Mục đích của các tổ chức
chính trị là việc gìn giữ các quyền tự nhiên và không thể bị tước bỏ của con
người; các quyền này là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền được an toàn và chống
áp bức (điều 2); Nguyên tắc của mọi chủ quyền đặt chủ yếu ở các quốc gia. Không
một tổ chức nào, không một cá nhân nào có thể sử dụng quyền hành mà không xuất
phát đích xác từ nguyên tắc đó (điều 3); Tự do có nghĩa là có thể làm mọi điều
không gây hại cho người khác. Như vậy, việc thực hành các quyền tự nhiên của
mỗi người chỉ bị giới hạn trong sự đảm bảo các thành viên khác của xã hội được
hưởng các quyền đó, các giới hạn này chỉ có thể do luật pháp quy định (điều 4)…
Luật pháp là sự biểu thị ý chí chung, mọi công dân đều có quyền tham gia trực
tiếp hoặc thông qua các đại biểu của mình vào việc xây dựng luật pháp; luật pháp
phải là như nhất đối với tất cả mọi người khi bảo hộ cũng như khi bị trừng
phạt. Mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp nên đều có thể được giữ mọi
chức vụ, mọi địa vị, mọi công vụ theo năng lực và không có bất cứ sự phân biệt
nào khác ngoài đạo đức và tài năng của mỗi người (điều 6); bất cứ ai cũng chỉ
có thể buộc tội, bị bắt, bị bắt giam giữ trong những trường hợp được pháp luật
quy định và theo những hình thức do luật pháp quy định. Những kẻ yêu cầu, thúc
đẩy, thi hành hoặc cho thi hành những mệnh lệnh độc đoán đều bị trừng phạt;
nhưng mọi công dân nếu bị gọi hoặc bị bắt chiểu theo luật pháp, đều phải tuân
theo tức khắc, và sẽ bị coi là phạm pháp nếu có hành vi kháng cự (điều 7);….
Việc tự do trao đổi về tư tưởng và ý kiến là một trong những quyền quý nhất của
con người, mọi công dân có thể phát ngôn, viết hay tiến hành in ấn một cách tự
do nhưng phải chịu trách nhiệm về sự lạm dụng quyền tự do đó trong những trường hợp được luật pháp quy định (điều 11); …
Quyền sở hữu là một quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng, không ai có thể bị
tước bỏ, trừ trường hợp có sự cần thiết công cộng đương nhiên đòi hỏi, sự cần
thiết đó được xác định một cách hợp pháp và với điều kiện có sự bồi thường công
bằng trước (điều 17)” [4].
Trong tất cả các quyền thì quyền tư
hữu là quan trọng nhất, bởi nó xác nhận tính chất tư sản của bản Tuyên ngôn.
Quyền tư hữu này thấm nhuần tư tưởng của J. Rousseau – người đầu tiên đề xướng
quyền tài sản công dân. Theo ông, quyền tài sản về phương diện nào đó còn quan
trọng hơn cả quyền tự do. Với quyền tư hữu được xác lập trong Tuyên ngôn có ý
nghĩa vô cùng quan trọng vì nó đảm bảo cho sự phát triển xã hội, vì con người
được quyền tư hữu của cải và cả sức lao động do mình làm ra. Có đảm bảo được
quyền đó mới kích thích năng suất lao động của con người, của cải sản xuất ra
mới nhiều. Ngoài ra, quyền tư hữu phải được bảo vệ để đảm bảo an ninh xã hội.
Đây là một những yếu tố quan trọng của nền dân chủ tư sản thời cận đại.
Quyền tư hữu còn được xác lập trong
Bộ luật của Napoleon. Sau khi lên cầm quyền thông qua cuộc đảo chính tháng
Sương mù (1799), Napoleon cho nghiên cứu, biên soạn và công bố bộ Pháp điển,
gồm 3 phần: Dân luật (1804), Thương luật (1807) và Hình luật (1810) với tổng
cộng 2881 điều. Những điều trong bộ luật này đều được xây dựng trên nguyên tắc
tự do bình đẳng dành cho giai cấp tư sản, trong đó nhấn mạnh đến quyền tư hữu.
Điều 554 viết: “Ngoài sự cấm chỉ của luật
pháp, quyền sở hữu là quyền lợi chiếm hữu và sử dụng một cách tuyệt đối đối với
của cải. Trừ khi phải trả thù lao cho lợi ích công cộng, không ai có thể bắt
buộc người nào đó chuyển nhượng quyền sở hữu của mình” [5]. Có thể nói bộ luật của Napoleon, nhất
là Dân luật, là thành quả của cách mạng tư sản, là bộ luật sớm nhất trong các
quốc gia tư sản. Bộ luật này đã đi theo lưỡi gươm của Napoleon truyền bá nhiều
vùng châu Âu có tác dụng phá hoại chế độ phong kiến, xúc tiến sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản. Trong những năm tháng cuối đời, trong cuốn hồi ký, Napoleon
viết: “Vinh quang của tôi không phải là
đã đánh thắng 40 trận. Trận Waterloo
đã xóa đi tất cả những kí ức thắng lợi đó. Nhưng có một thứ không bị mọi người
quên lãng và tồn tại vĩnh viễn, đó là bộ luật dân sự của tôi” [6].
Có thể nói, bộ luật mà Napoleon công bố là hình mẫu của nền lập pháp của các
quốc gia tư bản trên thế giới thời cận đại. Đánh giá về bộ luật này, Engels cho
rằng: “Nó là bộ luật xã hội tư bản điển
hình”.
* Tư tưởng dân chủ không chỉ phổ
biến trong phạm vi các nước tư bản Âu - Mỹ mà còn lan sang cả các quốc gia
phương Đông. Quốc gia đi đầu trong việc mô phỏng nền dân chủ phương Tây thời
cận đại là Nhật Bản. Sau cuộc cách mạng năm 1868, quyền lực Mạc phủ chuyển sang
Thiên hoàng. Ngày 3-1-1868, chính phủ do vua Minh Trị (Meiji) đứng đầu, được
thành lập. Ba tháng sau (6-4-1868), Minh Trị công bố 5 lời thề trước chính phủ
và quốc dân:
1.
Mở nghị hội rộng rãi, mọi công việc đều theo công luận mà quyết định
2.
Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước
3.
Từ công khanh đến thứ dân đều được toại chí để cho mọi người hết sống sẳng (bất
bình)
4.
Bỏ hết thói hư, mối tệ để gắng sức duy tân, tự cường hợp theo đạo trời đất
5.
Cầu tri thức trên thế giới làm cho nước nhà lớn mạnh, vẽ vang [7].
Điểm
nổi bật của 5 lời thề này là quyền tự do ngôn luận của nhân dân được xác lập, ý
nguyện của nhân dân là cơ sở để xây dựng mọi chính sách của nhà nước. Tư tưởng
này còn được thể chế hóa trong Hiến pháp Minh Trị (1889) với nội dung: “Người dân… được hưởng các quyền tự do cư trú
(điều 22), được pháp luật bảo vệ
(điều 23, 24 và 25), được quyền tư hữu
tài sản (điều 27), tự do ngôn luận,
xuất bản, hội họp, lập hội (điều 29)” [8].
Một quốc gia khác của phương Đông
cũng noi theo nền dân chủ tư sản phương Tây. Đó là Trung Quốc, nơi được xem
thành trì kiên cố nhất của chế độ phong kiến với những tư tưởng, học thuyết chà
đạp quyền tự do của con người. Nó được biểu hiện trong Chủ nghĩa Tam Dân của
Tôn Trung Sơn. Chủ nghĩa Tam Dân vốn là sản phẩm ra đời trong cuộc đấu tranh
chống phong kiến và đế quốc phương Tây của nhân dân Trung Quốc. Một trong những
nội dung quan trọng của Chủ nghĩa Tam Dân là chủ nghĩa Dân quyền với hạt nhân
vấn đề “dân chủ”. Theo Tôn Trung Sơn,
một khi cách mạng thành công sẽ thành lập Chính phủ Dân chủ cộng hòa, lấy Tự
do, Bình đẳng làm nền tảng.
Tự do, theo lý giải của ông gồm ba
nghĩa: Một là, quyền tự do của dân tộc, của quốc gia (không bị dân tộc khác,
quốc gia khác thống trị); Hai là, quyền tự do về chính trị của nhân dân (như tự
do hội họp, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do cư trú, tự do
tín ngưỡng v.v…); Ba là, tự do cá nhân một cách cực đoan, muốn làm gì thì làm,
bất chấp tất cả. Tôn Dật Tiên chủ trương tự do với hàm nghĩa thứ nhất và thứ
hai, phản đối tự do theo hàm nghĩa thứ ba. Tôn Trung Sơn chủ trương, nhân dân
được hưởng mọi quyền tự do chính trị, “còn
bọn bán nước hại dân, làm tay sai cho bọn đế quốc, quân phiệt thì dứt khoát
không được hưởng những quyền tự do đó” [9].
Bình
đẳng theo nghĩa của Tôn Văn là không đồng nghĩa với việc tạo hóa đã cho mọi
người quyền bình đẳng mà cho rằng con người đã tạo ra sự “bất bình đẳng” và “bình đẳng
giả tạo”. Mục đích của cách mạng là phải đi tới sự “bình đẳng thực sự về chính trị”. Không chỉ có vậy, Tôn Trung Sơn
còn đòi hỏi “bình đẳng về kinh tế”.
Ông cho rằng: “Trước cách mạng Nga, chỉ
có cách mạng chính trị, cách mạng đi, cách mạng lại cũng chỉ là sự thay đổi về
hình thức chính thể, cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đều như vậy. Hai chữ
Democracie chỉ là câu nói đầu miệng của các nhà tư sản. Cho đến cách mạng Nga…
mới có cách mạng kinh tế… làm cho người vô sản được giải phóng khỏi sự áp bức về
minh tế… Đó mới là sự bình đẳng chân chính của nhân loại” [10].
Như vậy, tư
tưởng dân chủ tự do và bình đẳng được bắt nguồn Cách mạng tư sản Anh thế kỷ
XVII và tư tưởng Khai sáng của Pháp thế kỷ XVIII. Nhiều người xem nó như làn
sóng mới cuồn cuộn chảy khắp năm châu, cổ vũ quần chúng nhân dân lật đổ chế độ
phong kiến chuyên chế và được các nhà chính trị đúc kết thành những tuyên ngôn,
văn bản luật pháp. Nền dân chủ và bình đẳng đó là sự sáng tạo vĩ đại của nhân
loại, đánh dấu xã hội loài người bước lên một nấc thang văn minh và tiến bộ
hơn.
[1] Michel
Beaud, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500
đến 2000, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.168.
[2]
H.S. Commger, Documents of American
History, Vol 1, Appleton-Century-Crofts, Division of Meredith Corporation, New York , USA ,
1968, p. 132.
[3] H.S.
Commger, Sđd, 1968, tr.133.
[4] Ủy
ban Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Sử học, Về
Đại Cách mạng Pháp 1789, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1989, tr.156-159
[5]
Đặng Thanh Tịnh (biên soạn), Lịch sử nước
Pháp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.130.
[6]
Đặng Thanh Tịnh, Sđd, Hà Nội, 2006, tr.130.
[7]
Nguyễn Khắc Ngữ, Nhật Bản Duy Tân dưới
thời Minh Trị Thiên hoàng, Nxb Trình Bày, Sài Gòn, 1969, tr.73-74.
[8]
Nguyễn Khắc Ngữ, Sđd, 1969, tr.134.
[9]
Dẫn theo Nguyễn Huy Quý, “Tìm hiểu “Chủ
nghĩa dân quyền” của Tôn Trung Sơn” trong Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Kim
(Chủ biên), Một số chuyên đề lịch sử thế
giới, Tập 2, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 114.
[10] Dẫn
theo Nguyễn Huy Quý, Sđd, tr.115.
No comments:
Post a Comment